Tỷ giá USD trên thị trường thế giới
Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã dừng ở mức 104,31 điểm – giảm 0,04% so với giao dịch ngày 26/7.
Đồng USD kết thúc phiên giao dịch không có nhiều biến động, chịu áp lực từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc giảm sau báo cáo lạm phát của Mỹ, trước thềm đợt nới lỏng lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.
Thông tin mới công bố cho thấy Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại Mỹ tăng nhẹ 0,1% trong tháng 6, đúng như dự kiến, sau khi ổn định trong tháng 5, nhấn mạnh rằng tình hình lạm phát đang được cải thiện.
So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá PCE tăng 2,5%, theo sau mức tăng 2,6% vào tháng 5, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters. Fed theo dõi chặt chẽ dữ liệu PCE để thực hiện chính sách tiền tệ, và việc lạm phát hạ nhiệt có thể giúp các quan chức Fed tin tưởng rằng, lạm phát đang tiến tới mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Mỹ.
Steve Englander, Giám đốc nghiên cứu G10 FX tại Standard Chartered Bank ở New York, Mỹ cho biết, dữ liệu PCE được công bố sớm hơn một ngày cùng với mức tăng trưởng GDP quý II đáng ngạc nhiên là 2,8% có thể tác động nhiều tới thị trường.
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong 24 giờ qua. Nguồn ảnh: Marketwatch
Nhà phân tích thị trường Razan Hilal, CMT chia sẻ trên Investing.com sáng nay cho hay: "Phố Wall có vẻ sẽ kết thúc một tuần khó khăn với một tín hiệu tươi sáng, mặc dù việc công bố thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối phiên có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Giá cổ phiếu tương lai của Mỹ đã tăng nhẹ vào thứ Sáu trước khi công bố số liệu lạm phát quan trọng, nhưng Phố Wall vẫn có xu hướng giảm mạnh trong tuần này, dẫn đầu là lĩnh vực công nghệ.
Tâm điểm chú ý vào thứ Sáu sẽ là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang, điều này có thể thử thách kỳ vọng của thị trường rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 6 được dự đoán sẽ tăng 0,1% so với tháng trước, với con số hằng năm là 2,5%, rất gần với mục tiêu 2% của Fed”.
Ngoài ra, các nhà kinh tế của hãng tài chính lớn nhất thế giới JPMorgan cho biết trong một lưu ý rằng: "Báo cáo lạm phát PCE cốt lõi tháng 6 của thứ Sáu dự kiến sẽ cho thấy mức tăng giá 0,2% so với tháng trước, giữ nguyên mức tăng của năm trước là 2,6%".
Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm trong tháng 6 lần đầu tiên sau bốn năm, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất, mặc dù cuộc họp vào tuần tới có thể còn quá sớm để khẳng định.
Trong khi đó, đồng yên đã thống trị thị trường tiền tệ trong tháng này sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong gần ba tháng là 151,945 yên/USD vào ngày 25-7. Đồng tiền này khởi động tháng 7 ở mức thấp nhất trong 38 năm là 161,96, trước khi Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) can thiệp vào thị trường tiền tệ, trong bối cảnh thị trường kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhật Bản sẽ đưa ra một chính sách điều chỉnh theo hướng diều hâu tại cuộc họp vào tuần tới để giảm sự chênh lệch lãi suất.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ sẽ có cuộc họp vào ngày 30 và 31/7, cùng ngày với BOJ. Fed dự kiến sẽ giữ nguyên chi phí vay, nhưng các nhà giao dịch vẫn tiếp tục đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 và sẽ có thêm hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Lợi suất trái phiếu chuẩn kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm 5,4 điểm cơ bản, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã giảm 5,6 điểm cơ bản sau báo cáo.
Ngược lai, BOJ có thể tăng lãi suất vào tuần tới, thị trường định giá 64% khả năng tăng 10 điểm cơ bản. Thị trường kỳ vọng về việc thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản.
Đồng USD/yên giảm 0,1%, xuống mức 153,77 trong phiên giao dịch vừa qua. Trong khi đó, đồng EUR tăng 0,13%, đạt mức 1,0858 USD.
Đồng bảng Anh tăng 0,17%, đạt mức 1,2873 USD, trong bối cảnh các nhà giao dịch định giá 50% khả năng Ngân hàng Anh cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra vào tuần tới. Các thị trường đang dự đoán mức cắt giảm 51 điểm cơ bản trong năm nay.
Tỷ giá USD trong nước
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 27/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 16 đồng, hiện ở mức 24.249 đồng.
Sáng ngày 27/7, NHNN công bố điều chỉnh tỷ giá trung tâm ở mức 24.249 VND/USD, giảm 16 đồng so với phiên giao dịch ngày 26/7. Ảnh minh hoạ
Hiện tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) dao động từ 23.400 – 25.450 VND/USD. Tỷ giá đồng Đô la Mỹ cũng đã được Sở giao dịch NHNN đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 đến 25.450 VND/USD.
Tỷ giá USD ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ và giá đô trong nước vào sáng nay ghi nhận hàng loạt động thái điều chỉnh tăng tại các ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank có mức mua vào là 25.091 và mức bán ra là 25.461, tăng 1 đồng ở chiều mua và chiều bán so với phiên giao dịch ngày 26/7. Giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 24.000 - 25.500 VND/USD.
Tại ngân hàng BIDV, tỷ giá đổi USD sang VND kết thúc hôm nay để bước vào ngày nghỉ với 25.121 - 25.461 đồng/USD, không điều chỉnh mới so với giá mở cửa. Trong khi đó, Techcombank tăng 15 đồng vào giá mua và không điều chỉnh mới giá bán vẫn giữ mức giao dịch trước, hiện tại ở mức 25.051 - 25.461. đồng/USD.
Tại Eximbank, tỷ giá USD chiều tối nay kết thúc tuần ở mốc 24.427 – 25.460 đồng/USD, giảm 20 đồng chiều mua vào và giữ nguyên giá bán so với phiên mở cửa sáng nay. Tại ACB chiều tối nay điều chỉnh giá mua vào lùi xuống 30 đồng và tăng 10 đồng ở chiều bán so với phiên sáng, niêm yết ở 25.100 - 25.460 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD VND giữ giao dịch quanh mức 25.690 - 25.770 đồng/USD, cùng tăng 30 đồng vào cả hai chiều so với phiên liền trước.